Trồng Trọt
Kỹ thuật trồng bắp lai

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng bắp thường được trồng vào 2 vụ chính, vụ Đông – Xuân gieo hột từ tháng 11 – 12 dương lịch (dl) khoảng cuối mùa mưa khi đất còn ẩm, và vụ Hè – Thu gieo hạt khoảng tháng 4 – 5 dl. Ngoài ra, ở những vùng thiếu nước vào vụ Xuân – Hè bắp thường được chọn làm cây trồng chính thay lúa.

1. Thời vụ

Cây bắp có thể trồng được quanh năm, tuỳ theo điều kiện tự nhiên của vùng miền, tập quán canh tác, điều kiện sản xuất của nông hộ mà bố trí mùa vụ sao cho thuận lợi để sản xuất đạt được lợi nhận cao nhất. Thực tế sản xuất cho thấy, trồng bắp vào mùa khô (đủ nước tưới) cây ít bị sâu bệnh và ít đổ ngã, cây cũng phát triển nhanh, cho năng suất cao ổn định hơn và chất lượng hột cũng tốt hơn so với mùa mưa.
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng bắp thường được trồng vào 2 vụ chính, vụ Đông – Xuân gieo hột từ tháng 11 – 12 dương lịch (dl) khoảng cuối mùa mưa khi đất còn ẩm, và vụ Hè – Thu gieo hạt khoảng tháng 4 – 5 dl. Ngoài ra, ở những vùng thiếu nước vào vụ Xuân – Hè bắp thường được chọn làm cây trồng chính thay lúa.
2. Chọn giống và chuẩn bị hột giống
 Chọn những giống tốt, cho năng suất cao, chống chịu được một số sâu bệnh chính, phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất và yêu cầu từ thị trường tiêu thụ của địa phương. Sau đây là một số giống bắp lai được trồng phổ biến hiện nay.
a. Một số giống bắp lai được trồng phổ biến
♦ Giống bắp lai Pacific 848 (P848)
Pacific 848 là giống bắp lai đơn, có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày tuỳ mùa vụ; chiều cao cây trung bình 180 – 200 cm, chiều cao đóng bắp 90 – 100 cm; bộ lá gọn; bắp hình trụ dài 18 – 20 cm, đầu múp, kín lá bi, số hàng hột trên bắp từ 14-16 hàng, khối lượng 1000 hột 295 – 300 gr, dạng hột bán đá, có màu vàng cam đẹp; năng suất trung bình 6,5 – 7,5 tấn/ha. Giống Pacific 848 chống chịu sâu bệnh hại tốt, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, chống đổ tốt, chịu ẩm.
♦ Giống bắp lai Pacific 963 (P963)
Pacific 963 là giống bắp lai đơn, thuộc nhóm giống trung ngày, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày; chiều cao cây từ 190 – 220 cm, chiều cao đóng bắp 70 – 100 cm, cây mập khoẻ, dạng hình gọn; bắp dài 17-18 cm, đường kính bắp 4,5 – 4,7 cm, bắp có 14-16 hàng hột, khối lượng 1000 hột 295 – 300 gr, dạng hột bán răng ngựa, có màu vàng; năng suất trung bình đạt từ 6,5 – 7,5 tấn/ha/vụ. Giống Pacific 963 chống chịu tốt với sâu đục thân và đục trái; bệnh khô vằn cháy lá và gỉ sắt.
♦ Giống bắp lai G49
G49 là giống bắp lai đơn có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày; cây cao trung bình 195 - 210 cm, cao đóng bắp 90-100 cm; đường kính bắp 4,3 - 4,5 cm, chiều dài bắp 16-18 cm, bắp có 12-14 hàng hột và 28-37 hột/hàng; khối lượng 1000 hột 275 - 285 gr dạng hột bán đá, có màu vàng; năng suất bình quân khoảng 6,5 – 8,5 tấn/ha/vụ. Giống bắp lại G49 cứng cây, chống đổ ngã tốt, chống hạn khá tốt, kháng bệnh rỉ sắt, lá bi che kín bắp.
♦ Giống bắp lai C919
C919 là giống bắp lai được nhập nội từ Công ty Monsanto Thái Lan. C919 có thời gian sinh trưởng khoảng 95 – 110 ngày; hột màu vàng đẹp, dạng hột bán răn ngựa; cây cao trung bình từ 190 – 195 cm; chiều cao đóng bắp khoảng 90 - 95 cm; chiều dài bắp từ 16 - 18 cm, đường kính bắp 4,5 cm; số hàng hột/bắp từ 14 - 16 hàng, tỷ lệ hột/bắp từ 76,8%, trọng lượng 1000 hột 290 - 300 gr; năng suất trung bình có thể đạt 6 - 8 tấn/ha/vụ. Giống bắp C919 chịu úng, chống đỗ ngã, lá bi bọc kín bắp, nhiễm nhẹ sâu bệnh.
♦ Giống bắp lai VN 25 – 99
VN 25 – 99 là giống bắp lai đơn có thời gian sinh trưởng ở phía Nam là 93 – 98 ngày, cây sinh trưởng nhanh, cứng cây, ít đổ ngã, độ đồng đều cao; chiều cao cây 230 - 235 cm, chiều cao đóng bắp 120 – 130 cm, cây có 18 – 19 lá; chiều dài bắp 18 – 19 cm, đường kính bắp 4,5 – 5,0 cm, bắp có 12-14 hàng hột; khối lượng 1000 hột 310 – 320 gr, tỷ lệ hột/bắp 78 – 80%, hột dạng nửa đá, có màu vàng cam đẹp; năng suất trung bình có thể đạt 6,5 – 7,5 tấn/ha/vụ. Giống bắp VN 25 – 99 nhiễm nhẹ bệnh cháy lá và bệnh khô vằn.
♦ Giống bắp lai V – 2002
V – 2002 là giống bắp lai đơn có thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày,
chiều cao cây từ 175 – 245 cm, chiều cao đóng bắp 83-113 cm, dạng cây đẹp, độ đồng đều cao, lá đứng; bắp hơi hở đầu bi, hột dạng bán răng ngựa, có màu vàng cam, tỷ lệ hột/bắp đạt khoảng 78%; năng suất trung bình khoảng 7 - 8 tấn/ha/vụ. V – 2002 là giống bắp có khả năng kháng sâu đục thân trung bình, kháng khô vằn và cháy đốm lá nhỏ khá.
♦ Giống bắp lai HQ2000
HQ2000 là giống bắp lai đơn có thời gian sinh trường trung bình 95 - 110 ngày, chiều cao cây 190 ± 25 cm, chiều cao đóng bắp 90 ± 15 cm; chiều dài bắp 20 ± 3 cm, đường kính bắp 5 ± 0,5 cm, bắp có 14 – 16 hàng hột, số hột trên hàng: 38 ± 3 hột, tỷ lệ hột/bắp là 73%; khối lượng 1000 hột 290 – 330 gr, dạng hột bán đá và có màu hột vàng thẫm; tỷ lệ cây 2 bắp khoảng 25 – 30%, năng suất trung bình 6,5 – 9,0 tấn/ha/vụ; hột HQ2000 có hàm lượng prôtêin 11%, hàm lượng lysine 3,95%, prôtêin và tryptophan 0,82%. Giống HQ2000 có khả năng chống chịu đối với sâu đục thân, đục bắp và ăn lá; chống chịu với bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani), đốm lá lớn, (H. turcicum) đốm lá nhỏ (H. maydis), chịu hạn và chống đổ tốt.
♦ Giống bắp lai đơn LVN10
LVN10 là giống bắp lai đơn được tạo ra từ các dòng tự phối DF2/DF1 của Viện nghiên cứu Ngô. LVN10 có thời gian sinh trưởng khoảng 100 – 120 ngày; hột màu vàng cam, dạng hột bán đá; cây cao trung bình từ 170 – 200 cm; chiều cao đóng bắp khoảng 90 - 110 cm; chiều dài bắp từ 19,6 - 24 cm; số hàng hột/bắp từ 10 - 14 hàng; tỷ lệ hột/bắp từ 82-84%; trọng lượng 1000 hột: 330 gr; tỷ lệ cây 2 bắp từ 50-80% (nếu trồng xen tỷ lệ cao hơn); lá bi bọc kín, chắc, mỏng; năng suất có thể đạt từ 8-10 tấn/ha.
♦ Giống bắp DK-888
Giống DK-888 là giống lai đơn có thời gian sinh trưởng từ 115 - 122 ngày; chiều cao cây trung bình 200 - 220 cm, cứng cây, chống đổ ngã tốt; chiều cao đóng bắp từ 90 - 110 cm; bộ lá gọn, có 19 - 21 lá; bắp dài 14 - 16 cm, đường kính bắp 4,2 -4,5 cm, mỗi bắp có 10 - 14 hàng hột, khối lượng 1000 hột 280 - 300 gr; hột dạng bán răng ngựa, có màu vàng cam; DK-888 có năng suất trung bình 6-8 tấn/ha. Ngoài ra, giống DK-888 chịu hạn khá, bị nhiễm sâu bệnh nhẹ.
b. Chuẩn bị hột giống
Trong thực tế sản xuất, sử dụng hột giống có chất lượng tốt có thể làm tăng năng suất bắp từ 10% - 15%. Nếu giống tốt lại mang thêm các đặc tính khác như có khả năng chống chụi sâu bệnh thì sẽ giảm được chi phí đầu tư về thuốc bảo vệ thực vật, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Do vậy, Nông hộ muốn có vụ sản xuất bắp bội thu thì việc chuẩn bị hột giống là yếu tố rất quan trọng trong quy trình kỹ thuật trồng bắp.
Những điều cần lưu ý khi mua hột giống:
- Nên mua hột giống từ các nhà cung cấp có uy tín, tránh mua hột giống không rõ nguồn gốc.
Cần xem kỹ thời gian đóng gói và hạn sử dụng của giống ghi trên bao bì. Thông thường, hột giống có hạn dùng là một năm kể từ ngày đóng gói.
Hiện nay, hột giống bắp thường được các nhà cung cấp giống xử lý thuốc phòng trừ sâu bệnh trước khi đóng gói, vì vậy khi mua về cần phải quan sát màu hột giống. Nếu thấy màu hạt không phải là màu đặc trưng của giống (thường có màu hồng hay tím than…) cho cho thấy hột giống đã được xử lý ssau bệnh rồi nông hộ chỉ việc đem hột gieo trồng. Nhưng nếu thấy hột giống có dấu hiệu chưa được xử lý sâu bệnh, nông hộ cần phải có ý kiến với nhà cung cấp hay hỏi cán bộ kỹ thuật (khuyến nông) của địa phương để có phương pháp xử lý phù hợp. Nông hộ có thể dùng một số loại thuốc sau để xử lý hột giống trước khi gieo: Rovral, lượng 2 g/10 kg hột, Thiram 85 WP, lượng 2-3 g/kg hột giống …
3.  Chuẩn bị đất trồng
a. Chọn đất
Cây bắp có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp đối với đất có thành phần cơ giới nhẹ. Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng loại đất thích hợp nhất cho trồng bắp vẫn là loại đất thịt; thịt pha cát giàu chất hữu cơ và khoáng (đất phù sa ven sông); đất giữ được nước và dễ thoát nước. Không nên trồng bắp lai trên vùng đất nhiễm phèn nặng, vùng quá khô hạn hay vùng thường bị ngập úng.
b. Làm đất
Bắp thuộc loại cây 1 lá mầm, rễ chùm. Bộ rễ chùm của cây bắp rất phát triển, có thể lan rộng với bán kính trên 0,5 m và ăn sâu khoảng 1 - 2 m. Do vậy, đất trồng bắp cần đựợc cày sâu (10 - 20 cm), bừa kĩ, dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật từ vụ trước. Sau đó, tiến hành đánh rãnh, rãnh rộng, sâu khoảng 30 cm, cách 5 m đánh một rãnh.
4. Khoảng cách và mật độ trồng
Mật độ trồng bắp phụ thuộc vào vùng sinh thái, mùa vụ, thời gian sinh trưởng của giống và điều kiện thâm canh. Nếu nông hộ có điều kiện thâm canh tốt thì tăng mật độ trồng.
Để đảm bảo năng suất bắp cao và ổn định, xuất phát từ những kết quả thí nghiệm đạt được và rút ra từ kinh nghiệm của các địa phương, Viện nghiên cứu Ngô khuyến cáo nên áp dụng những công thức mật độ trồng bắp sau:
- Đối với giống dài ngày trồng với khoảng cách 75 cm x 25 cm, tương ứng với mật độ 53.300 cây/ha (trồng 1 cây/1 hốc); khối lượng hạt giống cần gieo từ 15,5 – 18 kg tuỳ giống.
- Đối với giống ngắn ngày, thấp cây nên trồng dầy với khoảng cách 70 cm x 25 cm (1cây/1hốc) ứng với mật độ 57.000 cây/ha; khối lượng hạt giống cần gieo từ 16,5 – 17,5 kg tuỳ giống
Trước khi gieo, hột bắp cần kiểm tra tỷ lệ nảy mầm để tính lượng hột giống cần gieo trên ruộng. Tỷ lệ nảy mầm của hột giống phải trên 90% mới đạt yêu cầu. Hột bắp được xử lý bằng thuốc sát khuẩn trước khi đem gieo ra đồng. Nên gieo thành hàng, thành băng, mỗi hốc trên hàng chỉ gieo 1 hột, hột giống được gieo sâu từ 3 – 5 cm. Nên gieo thêm một số bầu hoặc một số hột trong hàng để trồng dặm những cây đã chết, nhằm đảm bảo số cây trên đơn vị diện tích.
Ngoài ra, theo TS. Phan Xuân Hào, để nâng cao năng suất bắp có thể tăng mật độ bắp trồng. Cách làm như sau: "Nên trồng theo khoảng cách hàng không đều nhau (2 hàng so le). Tức là trồng theo hàng kép với khoảng cách hàng hẹp khoảng 40 cm và khoảng cách hàng rộng không quá 70 cm; khoảng cách giữa các cây trong hàng nên ở mức khoảng 25 cm để đạt mật độ từ 70.000 – 75.000 cây/ha".
Lưu ý: Mùa nắng nên trồng dầy, mùa mưa nên trồng thưa để hạn chế sâu bệnh và đổ ngã. Những giống có tỷ lệ 2 bắp/cây cao nên trồng thưa để phát huy nhiều bắp (trái).
5. Phân bón
a. Lượng bón
Nhu cầu phân bón của cây bắp lai khá cao, đặc biệt là nhu cầu đạm và kali. Tuy nhiên, liều lượng phân bón còn tùy thuộc vào đặc tính của đất, giống bắp, thời tiết trong vụ trồng và năng suất cây trồng mong muốn đạt tới.
Để tạo ra 1 tấn hột, cây bắp lấy đi trong đất từ 25 – 30kgN, 12 – 14kg P2O5, 28 – 30kg K2O (tỷ lệ N; P2O5; K2O tương đương 2; 1; 2). Vì vậy, muốn  đạt năng suất bắp trên 6 tấn/ ha nông hộ cần bón khoảng 150 kg N + 60 kg P2O5 + 100 kg K2O, tương đương 300kg Urea + 150 – 200kg DAP + 100 - 150 kg KCl. Ngoài lượng phân vô cơ, nếu có điều kiện nên bón thêm phân chuồng với lượng từ 5-10 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh với lượng khoảng 2 tấn/ha.
b.Cách bón
Bón phân nên bón vùi theo hàng hay theo hốc để tránh mất đạm. Số lần bón phân có thể thực hiện như sau:
- Bón Lót: trước khi làm đất bón toàn bộ lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh), toàn bộ phân lân + 1/3 lượng Urê (tuỳ tính chất đất có thể bón hoặc không bón lót Urea). Riêng đất chua nên bón thêm 0,5-1 tấn vôi/ha, nên bón trước khi bón lót phân.
- Bón thúc lần 1: khi cây bắp có 4-5 lá thật (10-15 ngày sau gieo) bón 1/2 lượng đạm còn lại sau khi bón lót và 1/2 lượng kali. Để rễ tiếp xúc được phân nhanh nên rạch một rãnh nông 5 cm cách gốc hàng bắp 5 cm, rắc phân rồi lấp đất lại. Vì, rễ giai đoạn này chưa phát triển mạnh và không có tính hướng phân.
- Bón thúc lần 2: khi cây bắp có 9-10 lá (sau gieo 35-40 ngày), bón hết lượng phân bón còn lại (1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại). Thời điểm này hệ thống rễ đã phát triển rất mạnh, bao phủ hết khu vực quanh gốc, chỉ cần rải đều phân theo hàng cách gốc 5 cm trên mặt đất rồi kết hợp vun gốc lấp phân.
Lưu ý: Các lần bón thúc phân nên kết hợp với làm cỏ, vun gốc và tưới nước.
6. Chăm sóc
a. Trồng dặm, tỉa thưa
+ Tỉa cây lần 1 khi cây bắp được 3 – 4 lá, mỗi hốc chừa đúng với số cây đã dự kiến (1cây/hốc), nếu dư thì nhổ bỏ, nếu khuyết thì trồng dặm bằng nguồn bắp ươm bầu hoặc được tỉa dư khi gieo hạt. Khi cây được 6 – 7 lá thì ổn định luôn mật độ cây trên ruộng, nên xới nhẹ (xới đá chân) để đất tơi xốp giữ ẩm.
b. Làm cỏ, vun gốc
-  Phun thuốc trừ cỏ: 2 ngày sau khi gieo hạt (tức là một ngày sau khi tưới nước lần đầu), lúc đất còn ẩm, tiến hành phun thuốc diệt cỏ Dual với liều lượng 1-1,2 lít/ha.  Phun đều trên mặt ruộng
-  Xới phá váng, trừ cỏ, bón phân vun gốc vừa: Sau khi bắp mọc đều được 2-3 lá, đất có thể đóng váng và cỏ non cũng đã mọc. Vì vậy, nên tiến hành xới xáo mỏng nhằm phá váng, kết hợp với biện pháp trừ cỏ dại, bón phân thúc lần 1 và vun gốc (cao vừa) cho bắp.
- Vun gốc cao kết hợp bón thúc lần 2: khi tiến hành bón thúc đợt 2 cần kết hợp xới xáo diệt cỏ và lấy đất vun cao, vừa để lấp phân vừa giúp cây chống đổ và tạo thành rãnh thoát nước đến cuối vụ.
c. Tưới nước
 Độ ẩm đất thích hợp cho bắp vào khoảng 70-80% sức chứa ẩm tối đa đồng ruộng. Khi đất khô, trời không mưa thì phải tưới nước cho bắp. Cách tưới hiệu quả nhất là tưới theo rãnh, để qua đêm cho nước ngấm vào thân luống rồi tiến hành rút cạn nước.
Những giai đoạn cây bắp cần nhiều nước:
+ Giai đoạn cây bắp được 3-4 lá: đây là giai đoạn mà cây bắp chuyển từ phương thức lấy chất dinh dưỡng từ hạt mầm sang lấy chất dinh dưỡng từ đất.
+ Giai đoạn cây bắp được 6-9 lá: giai đoạn cây bắp tạo lập các cơ quan sinh thực (bông cờ, chồi bắp).
+ Giai đoạn trước và sau khi cây bắp ra hoa 7 ngày: giai đoạn xác định số hạt, kích thước hạt và sức chứa đổ đầy hạt.
7. Phòng trừ sâu bệnh
Một số loại côn trùng và bệnh gây hại chủ yếu trên bắp gồm:
Một số loại côn trùng gây hại chính như: sâu xám (Agrotis ypsilon), sâu xanh (Heliothis armigera), sâu đục thân (Ostrinia furnacalis), rệp hay rầy mềm (Rhopalosiphum maydis).
Các loại bệnh hại chính như: bệnh đốm vằn (Rhizoctonia solani), bệnh đốm lá lớn (Helminthosporium turcicum),  đốm lá nhỏ (Helminthosporium maydis),  bệnh bạch tạng (Sclerospora maydis), bệnh gỉ sắt (Puccinia maydis), bệnh virus khảm lá bắp, bệnh virus sọc lá…
Để phòng trừ côn trùng và bệnh hại có hiệu quả nông hộ nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp
a. Biện pháp canh tác
- Chọn hạt giống khỏe, giống chống chịu sâu bệnh, phù hợp với vụ gieo trồng và vùng sinh thái.
- Làm đất kỹ, phơi ải, vệ sinh thu dọn sạch tàn dư thực vật vụ trước.
- Gieo trồng đúng thời vụ, luân canh với lúa hoặc các cây trồng họ đậu để hạn chế nguồn dịch bệnh từ vụ này sang vụ khác
- Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kiểm tra kho tàng cất trữ, bảo quản, để phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
b. Biện pháp hoá học
Sâu đục thân, đục trái: rải thuốc hạt Regent hay Basudin hoặc Furadan vào loa kèn giai đoạn 8-9 lá và trước trổ cờ để phòng trừ. Chú ý ở vùng trồng mía, nếu bắp bị sâu đục thân, đục trái tấn công nặng, cờ bắp có thể không tung phấn, râu bắp không phát triển hoặc bị sâu ăn sớm trước khi thụ phấn, trái bắp sẽ không hạt.
Rầy mềm (rệp): phát triển mạnh khi nắng nhiều, cần theo dõi hàng ngày, phun thuốc (Sherzol, Sherpa, Decis, Bassa...) kịp thời, nhất là giai đoạn bắp trổ cờ phun râu, vì nếu mật độ rầy ở nhiều giai đoạn này, có ảnh hưởng lớn đến sự đậu hạt của bắp.
- Đốm vằn: Xử lý hạt giống bằng Rovrral (2g/ 10kg hạt). Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng bón cho ngô, lượng dùng 80 – 100 kg/ha (4 kg/ sào Bắc bộ). Phun trừ bệnh bằng thuốc Validamicin 3 SC, pha nồng độ 0,2-0,25%.
- Đốm lá lớn: Sử dụng giống bắp có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để trừ bệnh.
- Đốm lá nhỏ: Sử dụng giống bắp có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng Rovrral (2g/ 10kg hạt). Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để phòng trừ bệnh trên đồng ruộng.
- Rỉ sắt: Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để trừ bệnh.
- Bệnh bạch tạng: Sử dụng giống kháng bệnh, chỉ dùng hạt giống sạch bệnh, xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt). Phun các thuốc như Ridomil MZ72, nồng độ 0,2%, thuốc Aliette 80WP nồng độ 0,2%  lên toàn bộ tán lá để trừ bệnh.
8. Thu hoạch tồn trữ
Khi bắp đã đủ chín về mặt sinh lý và sinh thái thì thu hoạch.
Nguyên tắc chung là khi bắp chín sinh lí thì có thể thu hoạch. Bắp chín sinh lí được xác định bởi các biểu hiện sau:
+ Có thời gian sau khi thụ phấn khoảng 45-55 ngày (tuỳ theo giống và vụ gieo trồng)
+ Lá bắt đầu vàng, lá dưới bắp đã khô
+ Lá bi đã vàng, đôi khi các lá bên thấy vết sẹo đen ở chân hạt
+ Độ ẩm hạt khoảng 30-35% (tuỳ theo giống)
Lưu ý: Nếu thu hoạch trước khi chín sinh lí có thể làm giảm năng suất, vì bắp chưa đủ thời gian tích lũy vật chất vào hạt (chất khô) nên trọng lượng hạt thấp. Mặt khác, thu non khi lượng nước trong hạt còn lớn sẽ tốn kém công sức, tiền để cho việc phơi, sấy khô, chất lượng hạt giảm và khó bảo quản. Thu hoạch quá muộn, hạt có thể bị mọt hoặc mốc làm giảm chất lượng hạt. Thực tế cũng khó thực hiện thu hoạch muộn vì ảnh hưởng đến gieo trồng vụ sau.